Khi còn học phổ thông, tôi thường lấy việc viết những câu văn hoa mỹ bóng bẩy làm niềm yêu thích. Tôi đọc nhiều, hứng thú với những đề tài mới mẻ của cô giáo chủ nhiệm, cũng là cô giáo dạy Văn. Cô ấy từng nói, chữ tôi đẹp, in nghiêng rất đều. Tuổi còn nhỏ, được một giáo viên dạy giỏi khen ngợi như thế, trong lòng vô cùng thích thú, vì thế càng thêm yêu môn học này. Nhờ sự nâng đỡ của cô, học Văn trở nên rất dễ dàng. Những yêu cầu của cô thường được hoàn thành nhanh chóng, và những câu văn của tôi thì không dừng lại ở việc đáp ứng đầy đủ ngữ pháp cho đủ điểm.
Lớn lên một chút, tôi học thiên về ngoại ngữ và lịch sử. Chỉ là tôi đã không còn hứng thú với Văn nữa. Tôi vẫn đọc nhiều, vẫn đến thư viện đều đặn, nhưng giáo viên môn Văn mới thực sự là một ác mộng với việc đọc và ghi chép. Và tôi cảm thấy mình không còn có thể được phóng tác như trước nữa, nếu muốn một điểm văn đủ tốt nghiệp. Qúa trình học môn Văn của tôi kết thúc ngay khi vào lớp 10, ở bài kiểm tra viết văn thứ 2. Điều ấy rất dễ nhận ra khi học một giáo viên khác.
Khi tôi vào đội tuyển Sử, cô giáo chủ nhiệm môn đã nói "Lịch sử là một phần không thể thiếu, không thẻ tách rời với nhân loại. Việc thi thố và làm một bài kiểm tra không quan trọng, quan trọng là các em hiểu tới đâu, cảm thụ như thế nào về quá khứ. Từ đó, phân tích và nhận định, tỉnh táo và trung lập." Thế nhưng, cho đến giờ, dù đã đọc bao nhiêu tác phẩm, dù đã học bao nhiêu năm, tôi vẫn không thể cảm nhận được một giai đoạn của lịch sử, đó là Chủ nghĩa cách mạng.
Người ta có thể lên án, bài xích Chủ nghĩa tư bản hay Đế quốc, nhưng những lời nhận xét về chủ nghĩa cách mạng thì luôn được nương nhẹ tay. Tất nhiên, tôi đang sống trong một đất nước như thế, không càng không có ý phản biện lịch sử và những nhà nghiên cứu sử học, càng chẳng có trình độ đến thế. Chỉ là, xem những bộ phim Xô viết cũ, những bộ phim Cách mạng Trung Quốc mà trong lòng vô cùng đau lòng.
"Bố yêu, mẹ yêu cũng không bằng Mao Chủ tịch đáng yêu."
Ở thời đó, đấng sinh thành cũng không thể bằng Vị chủ tịch đã chỉ ra đường lối chủ nghĩa cho một đất nước. Những gia đình tư bản dù đã giúp đỡ nông dân cũng trở thành kẻ bán nước và tịch biên tài sản, đẩy đi cải tạo lao động "cho chúng nó biết khổ". Những người giàu tự tử, những nhà tư sản bị lăng nhục. Đối với lịch sử, những điều đó chỉ là rất nhỏ. Giữa hàng trăm triệu con người, chỉ là những con người không đáng để tâm. Điều an ủi là, Bác Hồ vĩ đại đã nói "đó là sai lầm của tôi, của đường lối chỉ đạo".
Sơn trà thụ chi luyến là tên một bộ phim của Trung Quốc phản ánh con người vào thời Cách mạng đổi mới dưới quyền Mao Chủ tịch. Nhân vật chính là Lão Tam (hay còn gọi là Tiểu Tôn) và Tịnh Thu, một anh con trai của gia đình trung lưu ở nông thôn và một cô gái con nhà tư sản phải cố gắng học hành để được giai cấp chấp nhận giữ lại công tác ở trường, làm một trụ cột gia đình thay cho người cha phải đi cải tạo lao động nước ngoài. Họ gặp nhau khi cô gái nhỏ ấy được điều về nông thôn để viết bài tư liệu ca ngợi Cách mạng cho giáo viên trong trường. Đó là lần đầu tiên cô ấy chào Lão Tam, và cũng là lần cuối cùng cô ấy gọi tên anh, "Anh Ba". Tên anh là Tôn Kiến Tân, người của đội do thám địa chất, có nhiều đặc quyền của giai cấp, nhờ thế mà đã giúp đỡ cô rất nhiều.
Mẹ cô bị bệnh, thường xuyên phải ăn quả óc chó, quả sơn trà, đường phèn để dịu thuốc đắng. Bà là người phụ nữ thực tế, luôn hi vọng con gái học hành, không phạm sai lầm với Cách mạng, để có thể được giữ lại trường học công tác, có thể chồng bà sẽ được trở về Trung Quốc, về với gia đình. Tịnh Thu có lẽ đã thừa hưởng tính cách kiên quyết của bà.
Bộ phim là một câu chuyện vô cùng cảm động về tình yêu thời Cách mạng - không được phép phạm sai lầm. Nếu người xem hi vọng rằng đây sẽ là một bộ phim lãng mạn đúng kiểu thì chắc bạn sẽ thất vọng. Điều duy nhất lãng mạn ở đây là cái nắm tay đầy rụt rè của Tiểu Tôn với Tịnh Thu, và điều đau khổ lớn nhất chính là sự ra đi quá trẻ của chàng trai ấy vì người mình yêu.
Tiểu Tôn từng nói:
Tiểu Tôn từng nói:
"Có lẽ trước đây em vẫn chưa từng yêu ai, nên em chưa từng tin trên đời có tình yêu vĩnh hằng. Chờ lúc em yêu ai đó rồi, em sẽ biết trên đời này có người thà chết chứ không bao giờ phản bội em".
Tiểu Tôn vô cùng quan tâm, hết sức dịu dàng với Tịnh Thu. Là người của đội do thám địa chất ở Thôn Tiểu Bình, anh thường xuyên nhận tăng ca khai thác khoáng sản ở Đội 2 trên thành phố để có cơ hội gần gũi và giúp đỡ cô. Điều đó khiến anh thêm bệnh mà không hề hay biết. Những việc anh đã làm cho cô, tuy nhỏ bé nhưng đầy quan tâm. Mua đường phèn cho mẹ Tịnh Thu, mua quả óc chó và sơn trà cho gia đình cô, mua bánh quẩy cho các em cô, thay bóng đèn yếu ớt cho cô viết văn, tặng cô cuốn sách, tặng cô áo bơi, đồng phục thể dục, ... Rất nhiều những điều như thế, tình yêu của họ chẳng hề dừng lại. Vì giữ cho cô không phạm sai lầm với Cách mạng, hoàn thành công việc trong 1 năm đầu thử thách ở trường, đến nói chuyện anh cũng không dám, giúp đỡ cô hết sức thầm lặng.
"Em vẫn còn một năm thử việc..."
"Vậy anh sẽ chờ em một năm lẻ một tháng."
Trong phim có một cảnh vô cùng đẹp đẽ thế này, khi anh gặp cô bên bờ suối, họ nghịch nước rồi ngồi nghi. Anh đã ngủ thiếp đi trên bờ vai cô và rồi xấu hổ khi tỉnh dậy "khó khăn lắm mới gặp được em mà lại ngủ thiếp đi thế này, sao em không đánh thức anh?" - "Vì em muốn anh được nghỉ ngơi.. tăng ca ở Đội 2 chắc là vất vả cho anh lắm." Ngày hôm đó, ánh nắng bên bờ suối buổi chiều ấy vô cùng đẹp đẽ. Và khi cô tặng anh con cá vàng đan bằng sợi nhựa, anh vô cùng vui thích như thế nhận được một món quà đáng quý vậy.
Cái cách mà Tiểu Tôn yêu thương tới Tịnh Thu chỉ là đứng từ xa ngắm nhìn. Cho dù cho nhìn thấy nhau, họ cũng không lại gần nhau, anh hiểu và cô cũng hiểu. Tịnh Thu là cô gái bướng bỉnh, nhưng anh còn kiên quyết hơn. Khi cô trộn đất sét với vôi bằng đôi chân trần đến bỏng rát, anh nói nếu cô không dùng đôi ủng anh mua cho cô thì khi anh lao động, anh cũng sẽ làm chân mình bỏng rát như cô mới thôi. Khi cô không chịu cùng anh đến bệnh viện, anh lấy dao rạch tay mình và nói giờ thì cả hai có thể cùng đi với nhau. Khi anh phải nhập viện, anh không hề nói với cô về căn bệnh máu trắng của mình, và lần đầu tiên chịu thua sự kiên quyết của Tịnh Thu khi muốn ở lại bệnh viện với anh. Nhìn bóng dáng cô ngủ ở ngay cổng bệnh viện, vì không được ở lại trong bệnh viện, Tiểu Tôn đã khóc vô cùng đau đớn. Nước mắt tôi cũng không thể dừng lại.
"Mẹ em không cho phép yêu đương trước 25 tuổi.."
"Vậy anh sẽ chờ tới lúc em 25 tuổi."
Cũng có những cảnh phim vô cùng đau lòng, khiến người ta cảm thây vô cùng buồn thương. Mẹ Tịnh Thu nói, nếu tình yêu của Tiểu Tôn lớn đến thế, không gặp nhau 1, 2 năm có là bao, và rằng, Tịnh Thu nhất quyết không thể bị đuổi khỏi trường. Anh chấp nhận không gặp cô nữa cho đến khi cô hoàn thành thời gian thử thách mà không biết sẽ là bao lâu. Anh chỉ xin một điều "Xin bác hãy cho cháu băng bó lại chân của Tịnh Thu trước khi cháu về" - "Căn nhà nhỏ này không có chỗ cho riêng hai người, tôi thật xin lỗi..." Và anh quỳ xuống, nâng chân cô để băng bó lại, rơi lệ vì phải chia xa. Tịnh Thu cũng không cầm được nước mắt nữa. Căn phòng chỉ có tiếng gõ giấy của mẹ cô ấy, rất đều đặn và xót xa.
"Nếu tới lúc 25 tuổi vẫn chưa được thì sao ?"
"Vậy anh sẽ chờ em suốt đời."
Anh không thể để cô ngủ ở cổng bệnh viện như hôm trước, vì thế đã mượn nhà trọ cho Tịnh Thu, mua tặng cô tấm vải màu đỏ nói sẽ gặp cô lần tới trong chiếc áo màu đỏ cô mặc. Họ chụp cùng nhau một bức ảnh trắng đen, và ngủ cùng nhau trên một chiếc giường một mét nhỏ xíu. Anh chỉ nắm tay cô, không hơn thế. Họ cùng nhau khóc như thể hạnh phúc thật khó khăn. Tịnh Thu rụt rè đến thế cũng đã nói "Thật hạnh phúc khi em gặp gỡ anh". Anh chỉ còn biết lau nước mắt cho cô.
"Nếu em sống, thì anh sống. Nếu em chết đi, thì anh cũng sẽ chết thật."
Rồi anh biến mất, sau khi cô đến thăm anh ở bênh viện lần đó. Lần cuôi cùng họ thấy nhau là ở hai bên bờ sông. Anh và cô cùng đi dọc bờ sông, không nỡ chia xa nhau. Cho đến khi con đường mòn kết thúc, anh đưa vòng tay ra phía trước, thể hiện rằng anh ôm cô, tạm biệt. Cô cũng ôm anh, tạm biệt.
Tạm biệt và không nhìn thấy nhau nữa là nỗi đau lớn nhất.
Tịnh Thu đã xin mẹ cho cô đi gặp anh vì không thấy tin tức Tiểu Tôn, nhưng rồi cô cũng không thể tìm thấy anh cho đến khi được yêu cầu đến bệnh viện gặp anh trước khi anh ra đi.
Bố Tiêu Tôn nói, nó luôn muốn gặp cháu, xin hãy gọi tên nó.
Bố Tiêu Tôn nói, nó luôn muốn gặp cháu, xin hãy gọi tên nó.
"Em là Tịnh Thu đây. Em là Tịnh Thu, em là Tịnh Thu đây.
Anh đã nói khi nào em gọi anh sẽ quay trở về mà, anh không nhớ sao?
Anh xem, không phải em đã mặc chiếc áo đỏ rất xinh sao,
em đã mặc nó để đến gặp anh đây.."
Tiểu Tôn, khi đó nằm trên giường bệnh chỉ là một cơ thể đầy vết thâm tím, một cơ thể chỉ còn da bọc xương, và vết thương khi anh cắt tay mình để ép cô cùng đến bệnh viện nay đã thành sẹo. Đó là hình ảnh khiến Tịnh Thu đau lòng nhận ra anh chính là Tiểu Tôn của cô. Cô khóc mãi, nói anh hãy nhìn cô đi, hãy nhìn cô lần nữa đi. Nhưng anh không thể. Tiểu Tôn không nghe thấy lời cô nữa, nhưng khóe mắt anh chảy dài vệt nước mặn. Anh đã gặp được cô rồi, gặp được Tịnh Thu bé nhỏ của anh rồi. Anh có thể ra đi rồi. Dù không ai nhận ra, nhưng Tịnh Thu nhận ra. Cô ngước mắt lên, trên trần bệnh viện là bức ảnh chụp hai người hôm đó được anh dán lên để có thể mãi mãi ngắm nhìn cô khi anh không còn có thể cử động được nữa, ngoài việc nằm đó chờ mong cô.
Cái chết và căn bệnh máu trắng đã chia lìa anh và cô như thế.
Cái chết và căn bệnh máu trắng đã chia lìa anh và cô như thế.
Tro cốt của Tiểu Tôn được chôn dưới cây sơn trà nơi hai người gặp nhau theo ý nguyện của anh. Bài hát "cây sơn trà hoa trắng" vang lên, vang lên mãi như dòng nước mắt không bao giờ ngừng rơi cho một tình yêu bên màu hoa trắng đó.
"Anh không thể chờ em 1 năm lẻ 1 tháng rồi,
cũng không thể chờ tới khi em 25 tuổi,
nhưng anh có thể chờ em suốt đời."
0 nhận xét:
Đăng nhận xét